Friday, November 30, 2007

Tập thơ “Gặp lại tuổi 20”- Phần 2. Bài 13.ĐÊM KÝ TÚC XÁ

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

13. ĐÊM KÝ TÚC XÁ
( Đêm B7 - Bách khoa )
Thân tặng Cần



Đêm buông dài suốt hành lang
Một dư âm khẽ cũng ngân vang
Gió vặn mình, thu rung liếp cửa...
Bỗng nhớ bạn xưa, nhớ đại ngàn !

Tiếng đàn ai thảng thốt xa vời
ừ , năm tháng cũng như giấc mộng....
Tấm màn lính quây tròn kỷ niệm
Vẫn phồng căng hơi thở bốn phương trời...

Biết giờ này bạn ở nơi nào
Rừng biên giới hay sóng xô hải đảo
Mảnh trăng cuối tuần còn bên sườn núi
Cánh võng phập phồng... giấc ngủ có tròn không ?

Biết giờ này bạn đang ở đâu
Cơn sốt đến chập chờn phiên gác ?
Giặc giã tan rồi, sao chưa về đi học
Cứ để tinh khôi nỗi nhớ học đường ....

12/1977
Kiều Anh Hương

Tập thơ "Gặp lại tuổi hai mươi" - Bài 12.Huế

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

12. HUẾ



Huế tôi yêu từ thuở có Em
Dẫu trang sử một thời lật giở
Những vương chúa, hoàng thành tráng lệ
Cũng chỉ là cơn gió thoảng qua thôi.

Huế tôi yêu từ thuở biết Em
Trong ký ức có bờ ao, gốc khế
Dẫu nỗi nhớ nhiều khi huyễn hoặc
Như chuyện cổ tích ngày xửa, ngày xưa ...

Huế tôi yêu từ bấy đến chừ,
Không quên được
Ngày cùng nhau đi cắm cờ giải phóng !
Chừ xa ngái một khoảng trời chia cắt
Huế bỗng thành nỗi nhớ của riêng tôi !

Huế tôi yêu từ thuở biết Em....
Khi ôm súng vượt A sầu A lưới...
Huế thành niềm tin cho ngày thắng lợi
Em đón tôi về trước cửa Ngọ Môn...

Huế tôi yêu từ thuở có Em ...
Tháng ba ấy, đúng ngày hai sáu !

Mặt trận tây nam Huế 3/1975

Thursday, November 29, 2007

Tập thơ "Gặp lại tuổi hai mươi" - Bài 11 Thành phố tháng tư

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

11. THÀNH PHỐ THÁNG TƯ



Tôi như lữ khách
Trong Em tháng Tư
Cách biệt hai đầu
Một thời chiến trận

Tôi như lữ khách
Trong Em tháng Tư
Cách biệt hai mùa
Đến - Đi, không hẹn !

Bỗng ngày trở lại
Lang thang đường xưa
Tôi thành lữ khách
Trong Em Tháng-Tư

Như một giấc mơ
Em -Tôi hai nửa
Một nụ hôn đầu
Thắp trong đạn lửa

Giờ Em ở đâu
Biết còn thương nhớ
Nụ hôn đầu môi
Cháy trong dang giở

Nụ hôn ngày xưa
Cho tôi một nửa
Thành phố tháng Tư
Cho tôi một nửa

Đỏ trời cờ hoa...

Hà nội, Tháng 01/1998

Wednesday, November 28, 2007

CHÁY BỎNG NHỮNG “SUY TƯ TRƯỜNG SƠN”

CHÁY BỎNG NHỮNG “SUY TƯ TRƯỜNG SƠN”
( Nhân đọc bài thơ : “Suy tư Trường Sơn” in trong tập “ Gặp lại tuổi hai mươi”)*
NHÀ THƠ : THANH THẢO


Nhân ngày 22/12, xin được bình một đoạn thơ trong tập thơ này :

“Con đường ta đi trong mù sương
Bom thù dội, cháy lưng đèo trước mặt
Con gõ kiến cúi đầu: Cộc ! Cộc !
Bên gốc thông khói cuộn hương buồn...

Con tắc kè đếm thời gian vô tận, vô cùng !
Con khỉ sải từng cánh tay
Đếm cây rừng cao thấp
Con hổ lặng thinh bên rừng già hun hút
Nín chờ những bàn chân người lính đi qua ...

Con nhện chăng tơ, rối cả mắt trẻ trai
Con mối đùn lên làm nấm mồ khô khốc ?
Chỉ có những câu thơ trong cổ tích
Làm dịu nỗi đau của rừng..

Khi tiếng chim cu gáy vọng cuối đường
Là khi chú tắc kè
Giã vào đêm thăm thẳm ..
ánh sáng chói vàng trong tầm mắt
Bỗng tối sầm sau vách núi thung sâu !

Bài thơ gây xúc động với những hình ảnh sinh động về Trường Sơn, những hình ảnh mà dẫu ai đã qua Trường Sơn một lần trong chiến tranh, chắc còn nhớ mãi. Nhưng cái suy tư đau đáu của bài thơ này lại nằm ở phần cuối, ở những dòng thơ cuối:

“Nhưng mỗi khi nhớ về những cánh rừng
Trụi lá,
Chĩa lên trời xanh như triệu triệu cánh tay
Khẳng khiu, đen đủi,
Có khi nào lòng ta chợt hỏi :
Rừng ơi, ngươi có trách ta ?

Trường sơn ơi, người có trách ta ?
Xin đừng hãt nữa lời ngợi ca,
Hãy cứu lấy những gì còn sót lại ! “

Tháng 9.1978

Sau 23 năm, bây giờ càng thấm thía với lời cảnh báo trong bài thơ của một người lính, hồi ấy còn rất trẻ। Hãy giữ lấy Trường Sơn, cả những cánh rừng và cả những kỷ niệm, hãy bớt ngợi ca đi và hãy hành động, để cứu lấy những cánh rừng. Bọn quan tặc và lâm tặc đang đốn ngã cả những gì thiêng liêng nhất mà chúng ta hằng đổ máu để gìn giữ.

Thanh Thảo


(*) Bài viết đã in trong tập nguyệt san “Kiến thức gia đình“ – phụ san của báo Nông nghiệp Việt Nam, tháng 12/2001, trang Thanh Thảo và Thơ.

Tập thơ "Gặp lại tuổi 20", Bài 10. SUY TƯ TRƯỜNG SƠN

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

10. SUY TƯ TRƯỜNG SƠN



Con đường ta đi trong mù sương
Bom thù dội, cháy lưng đèo trước mặt
Con gõ kiến cúi đầu: Cộc ! Cộc !
Bên gốc thông khói cuộn hương buồn

Con tắc kè đếm thời gian vô tận, vô cùng !
Con khỉ sải từng cánh tay
Đếm cây rừng cao thấp
Con hổ lặng thinh bên rừng già hun hút
Nín chờ những bàn chân người lính đi qua ...

Con nhện chăng tơ, rối cả mắt trẻ trai
Con mối đùn lên làm nấm mồ khô khốc ?
Chỉ có những câu thơ trong cổ tích
Làm dịu nỗi đau của rừng..

Khi tiếng chim cu gáy vọng cuối đường
Là khi chú tắc kè
Giã vào đêm thăm thẳm ..
ánh sáng chói vàng trong tầm mắt
Bỗng tối sầm sau vách núi thung sâu !

Đường hành quân vẫn sóng bể trào dâng
Rừng che nắng, che mưa
Che bom và che lửa
Bên vết máu bầm đen sót lại
Một cánh phong lan thơm thoảng cuối đèo
Lặng lẽ xua đi hương khói độc ..

Nhưng Trường sơn, Trường sơn ơi !
Mãi còn đó một nỗi đau
Những chồi non quặn mình trong lửa độc
Ta kiêu hãnh
Đi tới tận cùng của ngày toàn thắng
Nhưng mỗi khi nhớ về những cánh rừng
Trụi lá,
Chĩa lên trời xanh như triệu triệu cánh tay
Khẳng khiu, đen đủi,
Có khi nào lòng ta chợt hỏi :
Rừng ơi, ngươi có trách ta ?

Trường sơn ơi, người có trách ta ?
Xin đừng hãt nữa lời ngợi ca,
Hãy cứu lấy những gì còn sót lại !

Hà nội tháng 9.1978
Kiều Anh Hương

Tập thơ:Gặp lại tuổi 20, Bài 9-NÓI VỚI EM NHƯ THẾ NÀO ĐÂY ?

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket


9. NÓI VỚI EM NHƯ THẾ NÀO ĐÂY ?




Nói với em như thế nào đây ?
Cháy sạch rồi
những trang thơ anh viết...

Người xưa yêu nhau có câu ví bắc cầu
Có dải yếm lụa đào nhắn gởi
Có quan họ theo về bến đợi
Có chiếc nón bài thơ lúng liếng trao nhau...

Còn bây giờ,
Anh biết nói với em như thế nào em ơi !
Câu ví người xưa anh chưa học được,
Quan họ thì anh không biết hát
Những vần thơ viết tiếp run run...

Để anh bắc sang bên đó nắng xanh
Âm thanh thật hồng, thời gian thật tím
Qua cầu em đừng làm rơi nón,
Để bài thơ anh theo sang bên...

10.10.1980
Kiều Anh Hương

Tuesday, November 27, 2007

Tập thơ:Gặp lại tuổi 20, Bài 8-Cái Niêu Đất

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

8। CÁI NIÊU ĐẤT


Cái niêu đất của Mẹ tôi đã bể lâu rồi,
răng mà chắp lại được...
Ôi, cái niêu đất của một thời xa ngái
Tôi mang theo suốt dọc cuộc đời ...

Mẹ chẳng còn và cả Em tôi
Cát bụi lại hoàn cát bụi ...
***
Ngày ấy, vẫn như còn tinh khôi,
Và chiến tranh như chưa hề có
Cao xanh một khoảng trời
Phiên chợ làng bé nhỏ
Bóng mẹ gầy lõ mõ,
áo nâu nhạt xênh xang...
Đòn triêng quẩy hai đầu phiên chợ
Mớ khoai non cầm bữa...
Mẹ tiện tằn sắm cái niêu con,
Đợi Cu Tí về ....
Kho con cá tộ....
Đợi Cu Tý về ngô rang rang nở
Đợi Cu Tý về sáng tưng hàm răng...

Nào ngờ, bỗng có một ngày
Bụi đất quầng lên,
Cùng đoàn quân nam tiến
Âm vang xe xích,
Âm vang khúc quân hành
Trùng trùng những gương mặt lính trẻ,
Đứa nào cũng tựa hồ Cu Tý
Đang vẫy chào, tạm biệt người thương ...

Đôi mắt nhỏ nhăn nheo,
Mẹ dõi theo, dõi theo ..
( Linh cảm trái tim mách bảo
mẹ sẽ gặp Cu Tý nhà mình...)

Đất -Trời lặng thinh, lặng thinh...
Và Mẹ bỗng nhận ra ..
Cơn lốc như ào qua trước mặt
Mẹ nhào theo đoàn xe
Cả binh đoàn nhoè trong nước mắt
Nuốt từng tiếng khóc để ra đi
Đất nước đã ngàn ngày như thế,
Mẹ biết, nhưng không thể
Máu chảy ruột mềm !

Con ơi,
Sẽ có một ngày
Không còn bom rơi, đạn nổ
Mẹ sẽ đợi con về
Để lại được thức canh giấc ngủ
Cho con từng sáng, từng chiều
Không lỡ buối đến trường, đến lớp ...

***
Bây giờ mặt đất đã xanh liền
Cái niêu đất thuở nào biết ai còn nhớ ?
Khúc khải hoàn âm vang một thuở
Bỗng lạc rơi một nốt trầm
Vỡ tan tành mặt đất....

Mẹ chẳng còn,
và cả Em tôi,
Cát bụi lại hoàn cát bụi ...
Chỉ còn lại những mảnh vỡ ngày xưa
Từ cái niêu đất của Mẹ
Tôi nhọc nhằn ghép lại cho thơ
Để mặt đất xanh liền một dải ..

Ôi cái niêu đất một thời xa ngái !

Hà Tĩnh tháng 5.1971 - Hà nội tháng 07.1996
Kiều Anh Hương

Tập thơ "Gặp lại tuổi 20"- Bài 6 và 7

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

6. NGÀY HẸN CƯỚI



Tháng bảy anh ôm vào lòng một khoảng trời xanh
Hạnh phúc như một vầng mây ấm
Nhưng tháng bảy này anh lại ôm vào lòng ngọn lửa
Đang bùng lên trên mặt chiến hào...

Ngày cưới Em ơi đành hẹn mùa sau !

Thượng Đức tháng 7/1974


7. HOA GẠO


Sáng nay em đến lớp
Hoa gạo đỏ lưng trời
Cánh chim về ríu rít
Giữa khoảng đời sáng tươi.

Trên tầng cao lộng gió
Hoa gạo vượt lên rồi
Đỏ hồng như sắc máu
Như lửa tình đang khơi.

Sáng nay ai ra đi...
Sân ga người đưa tiễn
Bông gạo hiền khiêm tốn
Đậu trên túi ba lô.

Biên giới này mùa xuân
Nhớ nhau người yêu nhé
Đừng quên bông gạo đỏ
Âm thầm ta trao nhau.

Giảng đường Bách khoa
10.1979

Monday, November 26, 2007

Kiều Anh Hương và tập thơ “Gặp lại tuổi 20”, NXB Hội Nhà Văn, 2001

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket



1. VÙNG TRỜI THÁNH THIỆN

Tặng vợ



Núi sông vốn chẳng cắt chia

Biên cương cũng không tự có ...

Như Anh và Em - Bắc Nam đôi ngả

Bỗng ở trong nhau ngót thập niên rồi...


Những lo toan năm tháng đời thường

Như tấm áo chật choàng lên khát vọng...

Chỉ sợ trái tim mình nhỏ hẹp

Không đủ ngân rung phím nhạc cuộc đời...


Dẫu đến ngàn ước vọng cũng vậy thôi

Giông bão sẽ tan và bầu trời tĩnh lặng

Giây lát ấy cuộc đời hơn cõi mộng

Ta bỗng nhận ra nhau

Thanh thản buổi ban đầu...


Hà nội- 18/10/1991.

2. CAO THẤP

Ngày xưa,
Thuở chúng mình đi học,
mỗi lần xếp hàng vào lớp
thấy rõ:
- đứa thấp
- đứa cao !

Một năm qua rồi,
chúng mình so vai,
xếp hàng lên lớp
thấy rõ :
- đứa trước
- đứa sau !

Tuổi học trò,
giấy trắng
mực đen
khát khao
mơ mộng...

Bây giờ,
chúng mình lớn lên,
những trang đời
úp mở...
những đồng tiền
sấp ngửa
đỏ đen...

Dối trá và sự thật
Nghèo hèn và hiển vinh...
Số phận chăng ?
Ai tỏ,
Ai tường ?
Chỉ có trái tim bè bạn
Mới nhận ra nhau
giữa cuộc đời thường

Tháng 11/1991



3. Ở CHIẾN TRƯỜNG VỀ


Ở chiến trường về
Anh có gì đâu
Một cuốn sổ thơ
Một cây đàn gỗ
Thơ chưa chép hết mùa chiến dịch
Cây đàn rung phím nhạc học trò...

Cuốn sổ thơ sờn mép bên mình
(Bạn của lính - tháng năm tâm huyết)
Cây đàn gỗ vui buồn gõ nhịp
Hành quân xa...
Năm tháng hành quân xa...

***

Ở chiến trường về
Anh có gì đâu
Da còn ngái xanh
Môi còn ngái tím...
Chữ thầy mười năm
Rụng đầy sau vai áo
Hoa cà, hoa cải ... sốt rừng !

Ở chiến trường về
Chẳng có gì đâu ?
Ba lô rỗng, áo quần vừa nghiêm - nghỉ
Chỉ có trái tim vẫn hồng nguyên sắc đỏ
Và những khát khao mang nặng suốt cuộc đời !

12.1976 -12.1980

4. GẶP BẠN

( Thân tặng V- GS-TS )


Ngày chúng mình ra đi

Mùa hè vẫn còn rất trẻ...

Kỷ niệm về xóm nghèo, lán nhỏ

Bom thù đốt trụi lớp 10D


Chia tay nhau, lệ chẳng đẫm mi

Mà mắt ai mỏi bờ vai níu lại

Ta chợt nghĩ sẽ là mãi mãi ..

Mùa thu chỉ còn trong giấc mơ thôi !


***

Chiến trường dài, năm tháng nhân đôi

Không nhớ hết bao mùa súng nổ

Những mùa thu cháy khô mái núi

Võng đầu non, gối xép balô...


Ta đã đi qua những cao điểm mùa khô

Lả mình trong chót cùng khát, đói

"Măng cụt, sầu riêng" ...

Đất rừng nào, đồng đội ta nằm lại

Giữa ngàn sâu, cánh võng lạnh tờ...


Chiến trận nào, ta đã dong cờ,

Le te một thời con trẻ

Ôi, những thằng bạn giỏi giang nhất lớp

Đã ra đi không hề tiếc mùa thu.. ?


Vẫn biết chiến tranh, có kẻ ở người đi !

Day dứt một thời bão táp....

Mà sao vẫn mặn chát

Nông sâu nỗi biển đời.. .


Bạn ơi, áo lính chẳng hề bạc đâu !

Thật vinh hạnh được làm trò của bạn

Những tâm hồn sáng choang quả cảm

Đang trở về với cả mùa thu..


Ta bỗng nghe trong gió lạnh đầu mùa ..

Trái tim hát giữa dòng máu đỏ

Giữa đại ngàn

Giữa Trường Sơn

Độc thoại

Những lời giải về cuộc đời

Còn chặt hơn thuật toán...


***

Ngẩng cao đầu nơi giảng đường xanh...

Sau năm một chín bảy lăm (1975)

Tôi chợt nhớ về mùa hạ

Năm " Một - chín - bảy - mươi ..." !


Hà nội 9.१९७६




5. TẶNG EM GÁI NGỌC HÀ
Thân tặng MN


Ngập ngừng mãi đôi chân
Người đi giữa làng hoa và tự hỏi:
- Ngày hay đêm ?
Nụ hoa không hề nói...

Lối nhỏ ấy bỗng thành kỷ niệm
Đất Ngọc Hà, nơi em tôi sống tuổi thiếu niên
Bỗng là đất gọi hồn tôi trở lại
Với những câu thơ day dứt một đời...

Năm tháng rồi... năm tháng cứ dần trôi...
Câu thơ nào túi ba lô trĩu nặng ?
Câu thơ nào viết cho đồng đội ?
Tôi nhọc nhằn gom góp giữa rừng sâu... ?

Bài thơ nào viết cho Mẹ và Em ?
Lời chân thật bỗng trở thành xa lạ
Cuộc sống mới cứ ù à, ù ập....
Tôi bỗng trở thành cái gai trong mắt em ?

Bài thơ cứ vô tình
Nên năm tháng dần quên
Em bỗng ra đi và trở thành thiếu phụ
Tôi ở lại với câu thơ dang dở
Chợt nhớ rừng xanh cháy đỏ một thời...
***
Thơ viết xưa rồi
Mà chẳng thể nào quên
Lật lại thời gian bỗng thấy mình khờ dại
ước gì bạn lính xưa sống mãi
Để được yêu hơn mình đã yêu....

Để có ngày cho Tôi và Em
Năm tháng trẻ trung như sắc lá
Nụ cười chia vào khoé mắt
Sau vòm cửa xanh là một khoảng trời...

Trường ĐH Bách khoa Hà nội
11.1977-1996
K
iều Anh Hương

Friday, November 23, 2007

Tập thơ “Gặp lại tuổi 20” của tác giả Kiều Anh Hương

Tập thơ “Gặp lại tuổi 20” của tác giả Kiều Anh Hương
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – Hà Nội, ấn hành năm 2001.

Phần 1: Lời bình cho tập thơ:

Thêm một nhà thơ chiến sĩ

Phạm Tiến Duật

Kiều Anh Hương kém tôi hơn chục tuổi nhưng vào chiến trường Miền Nam chỉ sau tôi ba năm. Nhưng trước sau mà làm gì, chính Kiều Anh Hương nói thế, cao thấp mà làm gì, chỉ có trái tim bè bạn/ mới nhận ra nhau/ giữa cuộc đời thừơng. Đúng là như vậy, những người chiến sĩ cùng một chiến trường ngày nào, bây giờ gặp nhau giữa chốn ồn ào, liệu còn nhận ra nhau ? Cái áo xanh ngày nào không còn. Không còn khói bụi bám trên tóc, trên vai. Cả màu xanh sốt rét nữa. Thoáng đấy mà đã mấy chục năm trôi qua. Tất cả có thể sẽ thành quá khứ nhưng trái tim đồng đội ngày nào thì vẫn vẹn nguyên :

Tôi thắp lên thơ tôi một nén trầm
Để nhớ về bao đồng đội
Họ đã sống một thời sáng choang quả cảm
Không sợ đói nghèo
Chỉ sợ không được đi đánh giặc
Chiến trường hơn mọi bài ca !

Bây giờ lớp người sinh sau năm 1975 đọc những dòng trên đây không hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là hai dòng cuối của đoạn thơ trên. Phải lắng nghe lại nhịp tim của cả một dân tộc một thời mới thấy sự giản dị đến ghê người trong cảm xúc của cả một cộng đồng của thời bom lửa ấy. Phải nhớ lại, đọc lại những lá thư từ tuyến đầu Tổ Quốc với tội ác chồng chất của giặc Mỹ và những cỗ máy chém lưu động của những tháng năm đau thương ấy.

Vâng, trước khi đọc thơ của một tác giả nào đó, với tôi, cần có hai thứ : một chén nước trà và một chút quá khứ của tác giả.

Kiều Anh Hương (tên thật là Kiều Đình Kiểm) sinh ngày 26 tháng 07 năm 1953, quê ở xã Đức Hồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tôi đã qua lại và đã có những năm tháng ở Hà Tĩnh mà không nhớ được Đức Hồng là ở vùng nào. Cái vạt đất Đức Thọ-Can Lộc là vạt đất có Huy Cận, có Xuân Diệu mà tôi có lần đã lần tìm trong mưa để xem làng xóm quê hương những người mà tôi trân trọng. Đức Thọ là huyện sớm có nghề buôn bán và cũng là huyện giàu có của Hà Tĩnh mà không thấy dấu vết trong mỗi ngôi nhà. Nghèo, rất nghèo. Chỉ có lạ một nỗi là câu hát dân gian, từ trẻ con đến người lớn ai cũng thuộc. Có lẽ Kiều Anh Hương cũng đã được lớn lên trong bầu không khí dân gian kỳ lạ ấy của quê mình.

Bây giờ thì anh đã là một kỹ sư hoá dầu. Tôi không biết một chút nào về công việc của anh. Rằng trị số ốctan trong loại xăng này thì thế nào mà độ bốc hơi trong loại xăng kia thì thế nào ? Không, tôi nghĩ rằng điều duy nhất trong nghề nghiệp sau chiến tranh liên quan đến thơ của chính tác giả cũng là quá khứ. Chỉ khác một điều là quá khứ của cacbon ép qua bao thiên niên kỷ thì thành than đá, thành xăng dầu mà quá khứ của chiến tranh ép qua thời gian cũng biến thành thơ. Hai thứ đều cháy được, một đằng cháy thành lửa có ngọn mà một đằng cháy chìm.

Suốt từ năm 1971, Kiều Anh Hương tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở vùng đất nóng bỏng Quảng Trị về dải đất dài đông và tây Thừa Thiên Huế. Những trận mở màn của thời kỳ mà khi ấy gọi là Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt bắt đầu từ năm 1972 ở Trị -Thiên tôi cũng có mặt ở đó. Và cũng chỉ từ năm 1972 thôi, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mới có thể lật cánh sang đông và mới thực sự có tuyến Trường Sơn Đông mà tôi nói trong thơ từ mấy năm trước đó. Kiều Anh Hương và các đồng đội của anh đã góp công mở rộng tuyến đường mang tên Bác.

Nhưng, Trường Sơn, Trường Sơn ơi !
Mãi còn đó nỗi đau
Những chồi non quặn mình trong lửa độc
Ta kiêu hãnh
Đi tới tận cùng của ngày toàn thắng
nhưng mỗi khi nhớ về những cánh rừng
trụi lá
Chĩa lên trời xanh như triệu triệu cánh tay
Khẳng khiu đen đủi
Có khi nào lòng ta chợt hỏi
Rừng ơi, người có trách ta ?

Cái lạ trong những dòng thơ ấy là có chứa sự day dứt dành cho tương lai। Phải có tấm lòng nồng nàn yêu mảnh đất mẹ hiền của nghìn đời đến mức độ nào mới có thể nhìn núi non của thời bom lửa như vậy.
Tôi đọc Kiều Anh Hương và tôi khép tập sách lại mà tự hỏi ; tại sao bây giờ mình mới đọc người chiến sĩ này। Mà thực ra Kiều Anh Hương đã từng có giải thưởng văn học ngay trong chiến tranh। Năm 1973, truyện ngắn của Kiều Anh Hương đã nhận giải của Văn Nghệ Quân Giải Phóng Trị Thiên Huế. Và thơ nữa, anh từng nhận giải cao nhất của Văn nghệ Thành phố Huế trước giải phóng, ấy là chưa nói đến một lĩnh vực khác là sáng tác âm nhạc.
Ca khúc của Kiều Anh Hương đã tới với nhiều người và đã có giải thưởng, cả trong và ngoài quân đội. Nhưng ở vào thời kỳ thị trường này rất khó lắng nghe nhau। Ngày nào chỉ gọi một tiếng đồng đội đã nghe thấy, bây giờ ồn ào quá, gọi năm bảy tiếng mà bạn bè vẫn không nghe. Trong đời thường cũng vậy, mà trong sáng tác cũng vậy, nghe điệu mà tâm hồn chiến sĩ của anh đã run rẩy trong nhịp đập của tôi. Tôi reo lên rằng, thế là, lại thêm được một nhà thơ chiến sĩ.

Ở chiến trường về
Tôi chẳng thể nào tin
Hạnh phúc lớn, chưa kịp lau nước mắt
Mẹ và Em lại...

Tôi trích không hết câu ! Xin bạn hãy đọc nốt trong bài thơ Thời Hậu Chiến !
Phải là người của hôm nay mới đau cái đau của những gì mà cả chặng đường dài Đất Nước lo toan। Cái điều tôi muốn ghi nhận ở đây là nghệ thuật thơ, kỹ thuật thơ, mà làm gì khi đã có tâm hồn ? Không, không thể không nói vì đó là điều cuối cùng và quan trọng nhất। Hê-ghen nói : " Hình thức là cái đầu tiên và là cuối cùng để con người ta gặp được Thượng đế. " Có dầu mỏ mà không có giàn khoan thì làm sao có thể khai thác được. Kỹ thuật trong thơ giống như cái giàn khoan trong ngành dầu khí vậy.

Giữa rừng, sương vẫn giăng đầy
Xế chiều nắng mới rắc đầy lối đi
...
Mồ hôi đẫm ướt ba lô
Súng quàng vai, lá nhấp nhô điệp trùng !

Lục bát trong " ở rừng " như vậy là đạt được độ nhuần nhuyễn.

Tôi thấy Kiều Anh Hương rạt rào trong thể bốn chữ :

Cái hầm chênh vênh
Trên đèo chênh vênh
Của ba chiến sĩ
Mở đường công binh

Nhưng cái mạnh của anh là thơ chuyển thể và thơ tự do. Có thể nhận xét rằng, từ tâm hồn đến con chữ, Kiều Anh Hương đã có được một cuộc hành trình tỉ mỉ. Tất nhiên, không có một sự vật nào là toàn bích hoàn toàn. Nhưng tôi hoàn toàn tin rằng trên con đường vất vả của nghệ thuật, Kiều Anh Hương sẽ còn có nhiều đóng góp mới với tư chất của một nhà thơ chiến sĩ.

Tháng bảy năm 2001

Phạm Tiến Duật