Sunday, April 18, 2010

NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA TÔI - Tập thơ Kiều अंह Hương




THƯ NGỎ GỬI BẠN ĐỌC...

Đáng ra, tập thơ này đã được in xong trước một năm. Một năm với bao điều còn trăn trở mà tác giả muốn chỉnh chu, thêm bớt... Đơn giản chỉ là muốn có được một tập thơ tình thật ưng ý để tặng bạn bè, anh em... đó là thiện tình của tác giả; Hay dở chưa dám lạm bàn, hãy để bạn đọc tự đánh giá.
Có thể có người sẽ nói đây không phải là thơ tình mà là thơ thất tình... Cũng đúng. Tình yêu có vị ngọt đặc biệt, nhưng cũng luôn kèm vị đắng. Tôi đã trải nghiệm những phút giây như thế. Nhưng tình yêu cũng luôn là năng lượng, tiếp sức cho mỗi chúng ta để hăng say hơn mà sống và làm việc...
Ngày xưa, trước khi ra chiến trường, những lá thư đầu tiên cần viết về cho người thân nơi hậu phương của những người lính trẻ thường là gửi cho người yêu hoặc vợ... thứ nữa mới là cha, là mẹ... Không cần phải lý giải, cắt nghĩa tại sao, chỉ giản đơn vì nó là tình yêu, một thế giới siêu phàm của nội tâm không tuân theo bất kỳ qui luật nào của tự nhiên !
Ngày nay, giới trẻ có thể có cách thể hiện tình yêu mạnh mẽ hơn, thực dụng hơn so với thời tuổi trẻ của chúng tôi; Nhưng tôi cũng dám chắc rằng họ cũng rất cần những phút giây sâu lắng để bảy tỏ nỗi lòng mình khi gặp được người mình yêu và tôn thờ nhưng lại rất khó nói, khó bày tỏ bằng hành động thông thường...
Vì vậy, chẳng có gì để diễn giải thêm; Chỉ giản đơn, nếu bạn đang yêu, sắp yêu... Xin hãy giành chút thời gian đọc những vần thơ của những người đã yêu, đang yêu để cảm nhận thêm về một thế giới siêu phàm như thế - đó là tình yêu !
Xin mượn câu nói nổi tiếng của nhà thơ trữ tính Pháp - Pierr de Ronsard (1524-1585) để khép lại phần tự bạch này:
“Khi bắt đầu yêu tức là bắt đầu bước vào cuộc sống” !

Xin cảm ơn !

Kiều Anh Hương

LỜI GIỚI THIỆउ

Kiều Anh Hương làm thơ từ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi ông còn trong quân đội. Chiến tranh kết thúc, ông ra quân và tiếp tục học khoa học, rồi trở thành chuyên gia kỹ thuật trong ngành hóa dầu. Việc làm thơ bị gác lại trong một thời gian dài. Mươi năm gần đây mới thấy ông đăng trở lại. Đã xuất bản ba tập thơ vào các năm 2001, 2005 và 2008. Trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 2009.
Tập thơ này khuôn trong chủ đề tình yêu. Từ ngày có Quốc sách Đổi mới, thơ tình yêu là thứ sản phẩm phát triển nhanh nhất. Trẻ già trai gái, đã làm thơ, là hăng hái viết thơ tình. Đến nỗi có cuộc thi thơ, ban tổ chức phải giao hẹn: không nhận thơ tình. Thế thì cũng cực đoan. Nhưng quả thực cuộc đời lắm thứ phải lo, phải nghĩ mà lúc nào cũng em em anh anh thì sốt ruột thật. Bản thân tôi khi cầm tập bản thảo 45 bài thơ tình của ông bạn họ Kiều này cũng hơi ngần ngại. Sợ cho mình đọc liền hơi một chủ đề dễ bị lì, bất tri kỳ vị. Tôi đọc dần, đọc vừa nghỉ. Ăn chậm nhai kỹ. Đọc hết, thấy các bài đầu tập có sức bắt mình đọc lại và nhận ra một dụng ý bút pháp của tác giả.
Thơ tình yêu giữ được sự kín đáo ít lời là một ưu điểm, chữ nghĩa sẽ có duyên. Kiều Anh Hương, ở những bài này, mạnh dạn tước đi những câu thơ tự sự. Ông không kể việc. Không nói xuất xứ, tình huống, bối cảnh bài thơ. Ông vào ngay tâm trạng nhân vật.Tâm trạng người đang yêu, đang cảm nhận hạnh phúc hay đang thất tình. Có hàng trăm hàng nghìn thứ tâm trạng trong cõi ấy. Một chủ đề tình yêu mà thơ không trùng lập là nhờ tính đặc thù của mỗi khoảnh khắc tâm trạng ấy. Kiều Anh Hương mở câu thơ đầu đã bập ngay vào tâm trạng. Tâm trạng ấy có khi là một nhận xét, một nghi vấn hoặc một giải thích, tự giải thích:
Chia tay đêm nay
Khác vơi mọi khi, mắt em không ngấn lệ
Biệt ly quá nhiều rồi
Nên trái tim hóa thành sắt đá?

Người đọc ngơ ngác, chưa biết bài thơ nói chuyện gì. Nhưng đọc tiếp thì rõ dần. Rõ tâm trạng và do vậy mà đoán ra tình thế của nhân vật trong bài thơ. Bài thơ Đêm buồn này có bốn đoạn như bốn điệp khúc chia tay, bộc lộ bốn ghi nhận hành xử, khác với mọi khi của cô gái, như: mắt không ngấn lệ, bờ môi không trao,vòng tay thôi xiết chặt và cuối cùng là bàn tay em dửng dưng. Ba chi tiết trên, dẫu làm anh chàng quay cuồng, điên đảo - khát khao, gào thét – cồn lên, nao lắc (như biển ngoài kia) mà vẫn không hiểu nổi. Chỉ đến chi tiết thứ tư, anh mới chợt nhận ra: Có một Nha trang mãi mãi / Không còn là Nha Trang của riêng mình. Chi tiết thứ tư không khác về chất, nó cũng tương tự cách hành xử như các chi tiết trên. Nhưng nó là ghi nhận thứ tư, lượng đã biến thành chất. Sự lặp lại là một cách kết cấu tạo nên tư duy của Kiều Anh Hương ở khá nhiều bài thơ trong tập này. Nhiệt độ tăng thì nước vẫn cứ là nước, nhưng tăng tới 100 độ thì nước không còn là nước nữa, nước đã thành hơi. Người đọc đến đó nhập vào tâm trạng nhân vật và ý thức được câu chuyện mà tác giả không kể trong bài thơ. Thơ chỉ thuần nói nội tâm mà người đọc lần ra được câu chuyện nên hàm xúc và gợi tư tưởng khá kín đáo. Bài thơ Đi tìm bóng cho riêng mình ghi nhận một thành công cả về tầm vóc tư duy lẫn bút pháp của Kiều Anh Hương ở hướng này. Bài thơ có kết cấu Sáng Trưa Chiều Tối. Nào máy tính chát chít, nào ăn trưa ngoài quán, nào lướt web đọc đủ chuyện. Các đoạn thơ có vẻ đơn điệu và như rời nhau lỏng chỏng, chi tiết lại như thấy gì nói nấy. Ấy thế mà khi đọc mấy câu cuối: Mạng vẫn đang kết nối / Bạn bè bốn phương... / Gõ vào blog lời nguyện cầu / Ai ơi / Tìm hộ cái bóng cho riêng tôi!. Thì tất cả các đoạn thơ trên bỗng dính lại, cho thấy một dạng thức cô đơn của người đương thời, cho thấy những thứ quan trọng vô nghĩa (hay những vô nghĩa quan trọng) của một ngày (hay của một đời) tất bật mà không ra đâu vào đâu của con người. Bài thơ dấu chủ đề đến tận cuối. Mỗi đoạn thơ phía trên chỉ như rải dây mìn, đến cuối mới cho giật kíp nổ.
Thơ Kiều Anh Hương thường có hạt nhân tư tưởng. Đó là điều đáng mừng. Thứ đó thơ ta đang thiếu. Nhưng để hạt nhân ấy nở ra đầy đặn thành thơ, thành bài thơ có cảm xúc và để chính cảm xúc ấy dẫn đến tư tưởng thì Kiều Anh Hương cần làm thoáng bài thơ hơn. Ông còn để nhiều mảnh thừa, thừa ý, thừa tình, ngáng trở mạch chảy của bài thơ, người đọc dễ bị rối đường, chả biết ông tác giả dẫn mình về đâu. Tôi đã đánh dấu những chỗ (tôi cho là) thừa, là lạc trên bản thảo để hỏi lại ông. Nhưng có khi bài này tới tay Kiều Anh Hương thì ông đã đưa tập thơ đi in rồi. Ông thì vội (như mọi người bây giờ trong việc in thơ) mà tôi thì chậm (chậm đọc, chậm trả lời). Cũng là một sự tiếc! Xin lỗi ông.

Hà Nội 19-3-2010
Vũ Quần Phương