Friday, November 23, 2007

Tập thơ “Gặp lại tuổi 20” của tác giả Kiều Anh Hương

Tập thơ “Gặp lại tuổi 20” của tác giả Kiều Anh Hương
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – Hà Nội, ấn hành năm 2001.

Phần 1: Lời bình cho tập thơ:

Thêm một nhà thơ chiến sĩ

Phạm Tiến Duật

Kiều Anh Hương kém tôi hơn chục tuổi nhưng vào chiến trường Miền Nam chỉ sau tôi ba năm. Nhưng trước sau mà làm gì, chính Kiều Anh Hương nói thế, cao thấp mà làm gì, chỉ có trái tim bè bạn/ mới nhận ra nhau/ giữa cuộc đời thừơng. Đúng là như vậy, những người chiến sĩ cùng một chiến trường ngày nào, bây giờ gặp nhau giữa chốn ồn ào, liệu còn nhận ra nhau ? Cái áo xanh ngày nào không còn. Không còn khói bụi bám trên tóc, trên vai. Cả màu xanh sốt rét nữa. Thoáng đấy mà đã mấy chục năm trôi qua. Tất cả có thể sẽ thành quá khứ nhưng trái tim đồng đội ngày nào thì vẫn vẹn nguyên :

Tôi thắp lên thơ tôi một nén trầm
Để nhớ về bao đồng đội
Họ đã sống một thời sáng choang quả cảm
Không sợ đói nghèo
Chỉ sợ không được đi đánh giặc
Chiến trường hơn mọi bài ca !

Bây giờ lớp người sinh sau năm 1975 đọc những dòng trên đây không hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là hai dòng cuối của đoạn thơ trên. Phải lắng nghe lại nhịp tim của cả một dân tộc một thời mới thấy sự giản dị đến ghê người trong cảm xúc của cả một cộng đồng của thời bom lửa ấy. Phải nhớ lại, đọc lại những lá thư từ tuyến đầu Tổ Quốc với tội ác chồng chất của giặc Mỹ và những cỗ máy chém lưu động của những tháng năm đau thương ấy.

Vâng, trước khi đọc thơ của một tác giả nào đó, với tôi, cần có hai thứ : một chén nước trà và một chút quá khứ của tác giả.

Kiều Anh Hương (tên thật là Kiều Đình Kiểm) sinh ngày 26 tháng 07 năm 1953, quê ở xã Đức Hồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tôi đã qua lại và đã có những năm tháng ở Hà Tĩnh mà không nhớ được Đức Hồng là ở vùng nào. Cái vạt đất Đức Thọ-Can Lộc là vạt đất có Huy Cận, có Xuân Diệu mà tôi có lần đã lần tìm trong mưa để xem làng xóm quê hương những người mà tôi trân trọng. Đức Thọ là huyện sớm có nghề buôn bán và cũng là huyện giàu có của Hà Tĩnh mà không thấy dấu vết trong mỗi ngôi nhà. Nghèo, rất nghèo. Chỉ có lạ một nỗi là câu hát dân gian, từ trẻ con đến người lớn ai cũng thuộc. Có lẽ Kiều Anh Hương cũng đã được lớn lên trong bầu không khí dân gian kỳ lạ ấy của quê mình.

Bây giờ thì anh đã là một kỹ sư hoá dầu. Tôi không biết một chút nào về công việc của anh. Rằng trị số ốctan trong loại xăng này thì thế nào mà độ bốc hơi trong loại xăng kia thì thế nào ? Không, tôi nghĩ rằng điều duy nhất trong nghề nghiệp sau chiến tranh liên quan đến thơ của chính tác giả cũng là quá khứ. Chỉ khác một điều là quá khứ của cacbon ép qua bao thiên niên kỷ thì thành than đá, thành xăng dầu mà quá khứ của chiến tranh ép qua thời gian cũng biến thành thơ. Hai thứ đều cháy được, một đằng cháy thành lửa có ngọn mà một đằng cháy chìm.

Suốt từ năm 1971, Kiều Anh Hương tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở vùng đất nóng bỏng Quảng Trị về dải đất dài đông và tây Thừa Thiên Huế. Những trận mở màn của thời kỳ mà khi ấy gọi là Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt bắt đầu từ năm 1972 ở Trị -Thiên tôi cũng có mặt ở đó. Và cũng chỉ từ năm 1972 thôi, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mới có thể lật cánh sang đông và mới thực sự có tuyến Trường Sơn Đông mà tôi nói trong thơ từ mấy năm trước đó. Kiều Anh Hương và các đồng đội của anh đã góp công mở rộng tuyến đường mang tên Bác.

Nhưng, Trường Sơn, Trường Sơn ơi !
Mãi còn đó nỗi đau
Những chồi non quặn mình trong lửa độc
Ta kiêu hãnh
Đi tới tận cùng của ngày toàn thắng
nhưng mỗi khi nhớ về những cánh rừng
trụi lá
Chĩa lên trời xanh như triệu triệu cánh tay
Khẳng khiu đen đủi
Có khi nào lòng ta chợt hỏi
Rừng ơi, người có trách ta ?

Cái lạ trong những dòng thơ ấy là có chứa sự day dứt dành cho tương lai। Phải có tấm lòng nồng nàn yêu mảnh đất mẹ hiền của nghìn đời đến mức độ nào mới có thể nhìn núi non của thời bom lửa như vậy.
Tôi đọc Kiều Anh Hương và tôi khép tập sách lại mà tự hỏi ; tại sao bây giờ mình mới đọc người chiến sĩ này। Mà thực ra Kiều Anh Hương đã từng có giải thưởng văn học ngay trong chiến tranh। Năm 1973, truyện ngắn của Kiều Anh Hương đã nhận giải của Văn Nghệ Quân Giải Phóng Trị Thiên Huế. Và thơ nữa, anh từng nhận giải cao nhất của Văn nghệ Thành phố Huế trước giải phóng, ấy là chưa nói đến một lĩnh vực khác là sáng tác âm nhạc.
Ca khúc của Kiều Anh Hương đã tới với nhiều người và đã có giải thưởng, cả trong và ngoài quân đội. Nhưng ở vào thời kỳ thị trường này rất khó lắng nghe nhau। Ngày nào chỉ gọi một tiếng đồng đội đã nghe thấy, bây giờ ồn ào quá, gọi năm bảy tiếng mà bạn bè vẫn không nghe. Trong đời thường cũng vậy, mà trong sáng tác cũng vậy, nghe điệu mà tâm hồn chiến sĩ của anh đã run rẩy trong nhịp đập của tôi. Tôi reo lên rằng, thế là, lại thêm được một nhà thơ chiến sĩ.

Ở chiến trường về
Tôi chẳng thể nào tin
Hạnh phúc lớn, chưa kịp lau nước mắt
Mẹ và Em lại...

Tôi trích không hết câu ! Xin bạn hãy đọc nốt trong bài thơ Thời Hậu Chiến !
Phải là người của hôm nay mới đau cái đau của những gì mà cả chặng đường dài Đất Nước lo toan। Cái điều tôi muốn ghi nhận ở đây là nghệ thuật thơ, kỹ thuật thơ, mà làm gì khi đã có tâm hồn ? Không, không thể không nói vì đó là điều cuối cùng và quan trọng nhất। Hê-ghen nói : " Hình thức là cái đầu tiên và là cuối cùng để con người ta gặp được Thượng đế. " Có dầu mỏ mà không có giàn khoan thì làm sao có thể khai thác được. Kỹ thuật trong thơ giống như cái giàn khoan trong ngành dầu khí vậy.

Giữa rừng, sương vẫn giăng đầy
Xế chiều nắng mới rắc đầy lối đi
...
Mồ hôi đẫm ướt ba lô
Súng quàng vai, lá nhấp nhô điệp trùng !

Lục bát trong " ở rừng " như vậy là đạt được độ nhuần nhuyễn.

Tôi thấy Kiều Anh Hương rạt rào trong thể bốn chữ :

Cái hầm chênh vênh
Trên đèo chênh vênh
Của ba chiến sĩ
Mở đường công binh

Nhưng cái mạnh của anh là thơ chuyển thể và thơ tự do. Có thể nhận xét rằng, từ tâm hồn đến con chữ, Kiều Anh Hương đã có được một cuộc hành trình tỉ mỉ. Tất nhiên, không có một sự vật nào là toàn bích hoàn toàn. Nhưng tôi hoàn toàn tin rằng trên con đường vất vả của nghệ thuật, Kiều Anh Hương sẽ còn có nhiều đóng góp mới với tư chất của một nhà thơ chiến sĩ.

Tháng bảy năm 2001

Phạm Tiến Duật

1 comment:

Kiều Anh Hương said...

Phần 2: Nội dung các bài thơ trong tập:


1. VÙNG TRỜI THÁNH THIỆN
Tặng vợ


Núi sông vốn chẳng cắt chia
Biên cương cũng không tự có ...
Như Anh và Em - Bắc Nam đôi ngả
Bỗng ở trong nhau ngót thập niên rồi...

Những lo toan năm tháng đời thường
Như tấm áo chật choàng lên khát vọng...
Chỉ sợ trái tim mình nhỏ hẹp
Không đủ ngân rung phím nhạc cuộc đời...

Dẫu đến ngàn ước vọng cũng vậy thôi
Giông bão sẽ tan và bầu trời tĩnh lặng
Giây lát ấy cuộc đời hơn cõi mộng
Ta bỗng nhận ra nhau
Thanh thản buổi ban đầu...

Hà nội- 18/10/1991.